Select Page

Tìm hiểu thêm về mức tạm ứng và thỏa thuận tạm ứng hợp đồng xây dựng

Tìm hiểu thêm về mức tạm ứng và thỏa thuận tạm ứng hợp đồng xây dựng

Khi làm thanh quyết toán, nội dung trong hợp đồng thỏa thuận về tạm ứng, mức tạm ứng là bao nhiêu rất cần quan tâm.

Quy định về mức tạm ứng hợp đồng xây dựng tối thiểu

Khoản 5, Điều 18 của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP: quy định mức tạm ứng tối thiểu.

Trường hợp các bên thỏa thuận tạm ứng ở mức cao hơn mức tạm ứng tối thiểu nêu tại Điểm a, b, c Khoản 5, thì phần giá trị hợp đồng tương ứng với mức tạm ứng hợp đồng vượt mức tạm ứng tối thiểu sẽ không được điều chỉnh giá kể từ thời điểm tạm ứng.

Ví dụ: Hợp đồng xây lắp 100 tỷ, mức tối thiểu là 10% (10 tỷ) theo điểm d, khoản 5, điều 18, Nghị định số 37. Chủ đầu tư và Nhà thầu thỏa thuận mức tạm ứng: 21% (Chủ đầu tư chuyển tạm ứng cho Nhà thầu 21 tỷ). Phần tạm ứng lớn hơn mức tạm ứng tối thiểu sẽ không được điều chỉnh giá: 21-10 = 11 tỷ. Tức là phần đó biến thành đơn giá cố định (hoặc có thỏa thuận có thể thành trọn gói).

Vấn đề 1: Không có quy định rõ cái khúc 11 tỷ ấy là khúc nào trong mớ công việc được nghiệm thu thanh toán, nên Chủ đầu tư và Nhà thầu có thể thỏa thuận, quy định trong hợp đồng sao cho có lợi cho cả 2 bên và công việc trôi trảy.

Vấn đề 2: Quá trình thực hiện có thể xảy ra tăng giá. Khi đó Nhà thầu lãnh rủi ro, bởi ông được lời trước rồi (tạm ứng nhiều hơn), thì sau thôi.

Vấn đề 3: Quá trình thực hiện có thể xảy ra giảm giá. Do quy định không được điều chỉnh. Nên lúc này Chủ đầu tư có phần thiệt hại (vừa phải tạm ứng trước nhiều hơn cho Nhà thầu, vừa khi tăng giá không được giảm trừ (về lý thuyết và quy định). Do đó rút ra: Chủ đầu tư đề phòng rủi ro cần phải thuyết minh chặt chẽ về sự hợp lý, lợi ích…: vì sao lại cho tạm ứng lớn hơn mức tối thiểu. Tất nhiên, chắc ăn, ngại trách nhiệm, thấy có lợi nhưng không cho tạm ứng vượt mức tối thiểu rồi thì khỏi bàn.

Để thuận tiện cho bạn đọc, tôi xin đăng lại luôn Điều 18 Tạm ứng hợp đồng xây dựng của Nghị định 37/2015/NĐ-CP ở đây. Các bạn học viên Thanh quyết toán GXD nên đọc nhiều để tích lũy kinh nghiệm, khả năng lý luận cho tốt nhé.

Điều 18. Tạm ứng hợp đồng xây dựng

1. Tạm ứng hợp đồng xây dựng là khoản kinh phí mà bên giao thầu ứng trước không lãi suất cho bên nhận thầu để thực hiện các công tác chuẩn bị cần thiết trước khi triển khai thực hiện các công việc theo hợp đồng.
2. Việc tạm ứng hợp đồng chỉ được thực hiện sau khi hợp đồng xây dựng có hiệu lực, riêng đối với hợp đồng thi công xây dựng thì phải có cả kế hoạch giải phóng mặt bằng theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng, đồng thời bên giao thầu đã nhận được bảo lãnh tiền tạm ứng (nếu có) tương ứng với giá trị của từng loại tiền mà các bên đã thỏa thuận.
3. Mức tạm ứng, thời điểm tạm ứng và việc thu hồi tạm ứng phải được các bên thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng. Mức tạm ứng và số lần tạm ứng hợp đồng xây dựng phải được ghi cụ thể trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu hoặc trong dự thảo hợp đồng xây dựng gửi cho bên nhận thầu để bên nhận thầu làm cơ sở tính toán giá dự thầu, giá đề xuất.
4. Bảo lãnh tạm ứng hợp đồng:
a) Đối với hợp đồng xây dựng có giá trị tạm ứng hợp đồng lớn hơn 01 tỷ đồng, trước khi bên giao thầu thực hiện việc tạm ứng hợp đồng cho bên nhận thầu, bên nhận thầu phải nộp cho bên giao thầu bảo lãnh tạm ứng hợp đồng với giá trị và loại tiền tương đương khoản tiền tạm ứng hợp đồng. Không bắt buộc phải bảo lãnh tạm ứng hợp đồng đối với các hợp đồng xây dựng có giá trị tạm ứng hợp đồng nhỏ hơn hoặc bằng 01 tỷ đồng và các hợp đồng xây dựng theo hình thức tự thực hiện bao gồm cả hình thức do cộng đồng dân cư thực hiện theo các chương trình mục tiêu.
b) Trường hợp bên nhận thầu là liên danh các nhà thầu thì từng thành viên trong liên danh phải nộp cho bên giao thầu bảo lãnh tạm ứng hợp đồng với giá trị tương đương khoản tiền tạm ứng cho từng thành viên, trừ trường hợp các thành viên trong liên danh thỏa thuận để nhà thầu đứng đầu liên danh nộp bảo lãnh tạm ứng hợp đồng cho bên giao thầu.
c) Thời gian có hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng phải được kéo dài cho đến khi bên giao thầu đã thu hồi hết số tiền tạm ứng. Giá trị của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng sẽ được giảm dần tương ứng với giá trị tiền tạm ứng đã thu hồi qua mỗi lần thanh toán giữa các bên.
5. Mức tạm ứng hợp đồng không được vượt quá 50% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết (bao gồm cả dự phòng nếu có), trường hợp đặc biệt thì phải được Người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép hoặc Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân cấp tỉnh; Chủ tịch hội đồng thành viên, Chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn, tổng công ty đối với trường hợp Người có thẩm quyền quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ; mức tạm ứng tối thiểu được quy định như sau:
a) Đối với hợp đồng tư vấn:
– 15% giá hợp đồng đối với hợp đồng có giá trị trên 10 tỷ đồng.
– 20% giá hợp đồng đối với các hợp đồng có giá trị đến 10 tỷ đồng.
b) Đối với hợp đồng thi công xây dựng công trình:
– 10% giá hợp đồng đối với hợp đồng có giá trị trên 50 tỷ đồng.
– 15% giá hợp đồng đối với hợp đồng có giá trị từ 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng.
– 20% giá hợp đồng đối với các hợp đồng có giá trị dưới 10 tỷ đồng.
c) Đối với hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ, hợp đồng EC, EP, PC và EPC, hợp đồng chìa khóa trao tay và các loại hợp đồng xây dựng khác: 10% giá hợp đồng.
d) Trường hợp các bên thỏa thuận tạm ứng ở mức cao hơn mức tạm ứng tối thiểu nêu tại Điểm a, b, c Khoản này, thì phần giá trị hợp đồng tương ứng với mức tạm ứng hợp đồng vượt mức tạm ứng tối thiểu sẽ không được điều chỉnh giá kể từ thời điểm tạm ứng.
đ) Tiền tạm ứng được thu hồi dần qua các lần thanh toán, mức thu hồi của từng lần do hai bên thống nhất ghi trong hợp đồng nhưng phải bảo đảm tiền tạm ứng được thu hồi hết khi giá trị thanh toán đạt 80% giá hợp đồng đã ký kết.
6. Bên nhận thầu phải sử dụng tạm ứng hợp đồng đúng mục đích, đúng đối tượng, có hiệu quả. Nghiêm cấm việc tạm ứng mà không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích của hợp đồng xây dựng đã ký.
7. Đối với việc sản xuất các cấu kiện, bán thành phẩm có giá trị lớn, một số vật liệu phải dự trữ theo mùa thì bên giao thầu, bên nhận thầu thỏa thuận kế hoạch tạm ứng và mức tạm ứng để bảo đảm tiến độ thực hiện hợp đồng.

About The Author

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *