Select Page

Công cụ pháp lý trong quản trị rủi ro tại các dự án xây dựng Việt Nam Case study Covid 19

Công cụ pháp lý trong quản trị rủi ro tại các dự án xây dựng Việt Nam Case study Covid 19

Công cụ pháp lý trong quản trị rủi ro tại các dự án xây dựng Việt Nam – case study Covid 19

Mấy hôm nay mọi người đều muốn bàn luận Covid-19, tôi cũng muốn chia sẽ một chút quan điểm cá nhân về vấn đề này tại các dự án đầu tư xây dựng thuần Việt Nam.

I. TƯ DUY QUẢN TRỊ RỦI RO:

Đã có nhiều bài viết học thuật về định nghĩa Bất khả kháng trong xây dựng là gì nên tôi xin không nói thêm, ở đây tôi muốn tiếp cận một vấn đề đó chỉ là tư duy quản trị rủi ro của các doanh nghiệp Việt.
Nhìn chung tư duy của người Việt Nam ta là ít có sự chuẩn bị cho rủi ro, chuyện gì tới cứ tới, cách phòng rủi ro của đại đa số người là “vái tứ phương”, bảo hiểm có thể chẳng cần nhưng không đi “cúng” là có chuyện. Nhiều người đến khi xảy ra dịch rồi mới chịu đọc lại hợp đồng để xem có quy định bất khả kháng không ?!
Nếu như không có đại dịch Covid-19 thì chúng ta sẽ không thể hết những hình thái của việc quản trị rủi ro ở Việt Nam. Đây là sự kiện “trăm năm một lần”, không ai mong muốn, tuy nhiên với từng đối tượng thì sẽ có từng cách ứng xử khác nhau.
Chủ doanh nghiệp nên coi việc đưa việc tính toán chi phí bảo hiểm vào trong giá thành là điều hiển nhiên. Người Việt Nam nói chung không thích mua bảo hiểm, đây là quan điểm sai lầm. Bảo hiểm không chỉ cho những trường hợp như đại dịch mà còn là những trường hợp khác như hỏa hoạn, thiên tai, bão lũ,… Có thể với các doanh nghiệp nhỏ thì đây là việc phải cân nhắc nhiều, nhưng các bạn cũng biết rằng bệnh dịch, thiên tai chẳng ngoại lệ ai!

II. TRỤC LỢI HAY CHIA SẼ TRONG ĐẠI DỊCH

Có nhiều trường hợp hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, có số phát tài, nhưng lấy cái cớ đại dịch để giảm lương hoặc sa thải nhân viên. Những doanh nghiệp đang khó khăn thật thì buộc họ phải giảm lương sa thải, có điều người ta vẫn hay nói con người là yếu tố quan trọng nhất của doanh nghiệp tuy nhiên khi xảy ra biến động thì lại là yếu tố doanh nghiệp muốn loại bỏ đầu tiên.
Ở một khía cạnh khác xin nêu ra một trường hợp như sau, hợp đồng xây dựng cơ bản trong đó có hạng mục mua sắm thiết bị, mà thiết bị theo yêu cầu phải nhập từ EU (nhập tại quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch). Nhà thầu mua thiết bị này từ một công ty trung gian tại Việt Nam, và hợp đó cung cấp đó của nhà thầu được kéo dài tiến độ do lệnh cấm cửa của quốc gia EU. Tuy nhiên, trong hợp đồng giữa nhà thầu và chủ đầu tư (CĐT) điều khoản bất khả kháng (BKK) không mở rộng tới nhà cung cấp của nhà thầu. Khi kí hợp đồng thì vào cuối năm ngoái trước thời điểm dịch bùng phát và nghĩa vụ của nhà thầu phải đảm bảo cung cấp cho chủ đầu tư. Trường hợp này thế khó sẽ ở phía nhà thầu khi việc chứng minh sẽ rất rắc rối, mặt khác bản thân nhà thầu cũng chưa gửi thông báo cho chủ đầu tư khi dịch diễn biến xấu.
Một trường hợp khác thù thế khó nằm ở CĐT khi phần lớn vốn là vay ngân hàng, nếu nhà thầu sử dụng BBK và giả sử được chấp thuận thì quả là tai họa với CĐT. Trường hợp này rất cần những thay đổi về mặt chính sách, bởi dòng vốn thực sự đang bị tắc, chúng ta có thể lờ mờ thấy được hình ảnh của một cuộc khủng hoảng kinh tế mới!

III. TRẢ LỜI CÂU HỎI THƯỜNG GẶP:

Đây là trả lời của tôi với hai thắc mắc lớn của một vài anh chị em cho sự kiện lần này, các bạn có thể đọc để tham khảo:
1. Nếu trong hợp đồng không có quy định về điều khoản bất khả kháng thì liệu tôi có được sử dụng sự kiện bất khả kháng không?
Câu trả lời là có, Bất khả kháng là điều khoản được quy định trong Bộ Luật dân sự 2015, nếu hợp đồng không quy định thì khác thì ta sẽ áp dụng các quy định của Bộ Luật dân sự. Việc áp dụng này phải thỏa mãn các điều kiện:
1. Xảy ra một cách khách quan.
2. Không lường trước được.
3. Hậu quả xảy ra không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Trong ba điều kiện trên thì hai điều kiện đầu dễ chứng minh, tuy nhiên với điều kiện thứ ba thì phải chú ý, tôi sẽ nói rõ ở phía sau.
2. Với tình hình hiện tại, các hợp đồng xây dựng ở Việt Nam có quyền gia hạn tiến độ hoặc dừng thi công theo bất khả kháng không?
Câu trả lời là tùy trường hợp. Đại dịch Covid-19 đã thỏa mãn hai điều kiện của Bất khả kháng, tuy nhiên với điều kiện thứ ba “mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp” thì cần xem lại. Trong các văn bản của Thủ tướng thì các ngành như vận tải, du lịch, nhà hàng, … chịu ảnh hưởng trực tiếp thì có thể coi ngay là bất khả kháng. Với ngành xây dựng thì chỉ chịu ảnh hưởng gián tiếp, có thể thu xếp làm được nên khó áp dụng bất khả kháng hơn. Trường hợp này chỉ đúng với các địa phương ban hành văn bản dừng hoàn toàn việc xây dựng như Hà Nội, Đà Nẵng, … riêng với Tp.HCM và một số địa phương khác chỉ là nhắc nhở nêu cao tinh thần phòng dịch thì cần xem xét lại.

IV. LƯU Ý QUAN TRỌNG:

Một lưu ý tôi thấy rất quan trọng đối với các nhà thầu ở TP.HCM và một số địa phương chưa cấm hẳn việc xây dựng đó là phải cực kì cẩn thận trong công tác chống dịch.
Nội dung chỉ đạo của CP cho phép chủ doanh nghiệp trong những lĩnh vực đặc thù mà không liên quan trực tiếp đến công tác phòng chống dịch thì được tự quyết. Do vậy, với các công trình xây dựng, các nhà thầu không kiểm soát tốt, không có đề xuất giãn tiến độ, dừng thi công trong khoảng thời gian từ 01-15/4 mà nếu xảy ra lây nhiễm trong thời gian này, nhà thầu sẽ không được bồi thường thiệt hại, thậm chí sẽ phải chịu các tổn thất gây ra do sự không tuân thủ này.
Đây là một vấn đề bất lợi cho nhà thầu, tuy nhiên để nâng cao sự an toàn xã hội và nhận thức pháp luật của nhà thầu thì nó hoàn toàn công bằng.

V. KẾT LUẬN:

Đại dịch Covid-19 đã và đang tàn phá nền kinh tế toàn cầu, ngành xây dựng cũng không ngoại lệ. Đứng trước một thách thức mang tính thế kỉ thì mọi biện pháp đẩy lùi đại dịch, tiếp tục sản xuất kinh doanh cần sự hợp tác của tất cả các bên.
Trong những hoàn cảnh như thế này thì sự thiện chí của các bên chính là chìa khóa cho mọi vấn đề. Nếu thiếu thiện chí thì với những khó khăn và rắc rồi trong quá trình áp dụng hợp đồng thì nhiều khả năng dự án của các bạn sẽ bị gián đoạn hoặc tệ hơn là dừng lại.
Dù sao đi nữa cũng chúc đại dịch sớm qua, anh chị em trong ngành nâng cao tinh thần thiện chí và cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức.

TĐN
TP. Hồ Chí Minh, tháng 04 năm 2020

Nguồn: Fanpage Góc nhìn Pháp Lý Xây dựng

About The Author

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *